Trò chuyện cùng Doanh nhân: Câu chuyện Lúa Vàng Việt

Trò chuyện cùng doanh nhân: Câu chuyện Lúa Vàng Việt trên mảnh đất Tây Ninh

Tây Ninh có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp như đất đai bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hoà. Bên cạnh cao su, mía, mì thì diện tích trồng lúa ở Tây Ninh cũng có diện tích khá lớn.

Với mong muốn hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa sau khi thu hoạch, nâng cao sinh kế nhà nông và hướng đến việc xây dựng thương hiệu Gạo Tây Ninh từ vùng nguyên liệu an toàn tại quê nhà đến với người tiêu dùng Việt và xuất khẩu toàn cầu, thương hiệu Lúa Vàng Việt ra đời.

Chia sẻ về câu chuyện tạo ra thương hiệu gạo Tây Ninh để hỗ trợ sinh kế cho nông dân Tây Ninh, mang hạt gạo Tây Ninh vươn ra trên thị trường quốc tế. Vừa qua, bà Lê Thị Mai Huyền –hiện đang là Tổng giám đốc của Công ty TNHH Đức Thành với hơn 35 năm hoạt động trong ngành kinh doanh phân bón & thuốc BVTV, đại diện thương hiệu Lúa Vàng Việt đã có buổi giao lưu chia sẻ tại chương trình “Trò chuyện cùng Doanh nhân” của Đài Phát thanh – Truyền hình Tây Ninh.

Hành trình kế thừa nền móng gia đình

MC Ngọc Thật: “Chị Mai Huyền thân mến! Trước khi bắt đầu buổi trò chuyện, mời chị sẽ giới thiệu đôi nét về bản thân đến quý khán giả đang theo dõi chương trình.”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Hơn 50 năm trước, tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh nghề xay xát lúa gạo tại Tây Ninh. Sau đó tôi học nghề kế toán rồi kết hôn. Sau khi kết hôn, khoảng năm 1985-1990, thì hai vợ chồng tôi kinh doanh cùng gia đình nhà chồng một cửa hàng kinh doanh phân bón. Vào thời kì đó, cha chồng tôi là một người chủ doanh nghiệp rất giỏi, những người làm nông gốc Tây Ninh thời bấy giờ dường như ít nhiều đều đã từng một lần nghe qua “Cửa hàng phân bón Đức Hoà”. Cha dạy và truyền tải cho chúng tôi một sự đam mê nhất định đối với nghề làm vật tư nông nghiệp.”

MC Ngọc Thật: “Khi nhắc tới công ty Đức Thành, hầu hết mọi người đều biết đến thương hiệu đã gắn liền với nông nghiệp như kinh doanh phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Xuất phát từ đâu và cơ duyên nào, chị đã lựa chọn hoạt động trong lĩnh vực này ạ?”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Như tôi đã chia sẻ ở ý trên, bên cạnh việc được kế thừa nền móng kinh doanh của gia đình, vợ chồng chúng tôi còn được học tập từ người sáng lập đời đầu của công ty Đức Thành – cha chồng tôi – một tinh thần nghiêm túc với công việc. Ông nổi bật với một triết lý kinh doanh xuyên suốt “Luôn kinh doanh với những sản phẩm chất lượng cao & đặt uy tín lên hàng đầu”.”

Sự phát triển vượt bậc nhờ đam mê và tâm huyết

MC Ngọc Thật: “Chị có thể giới thiệu nhiều hơn về công ty Đức Thành trong quá khứ lẫn hiện tại được không ạ?”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Sau hơn 10 năm cùng gia đình nhà chồng kinh doanh, vợ chồng chúng tôi tích luỹ được một niềm đam mê nhất định với ngành nông nghiệp. Chúng tôi luôn tìm tòi nghiên cứu các sản phẩm mới, hiệu quả với cây trồng, giúp nông dân vững tin và tiết kiệm. Với tinh thần cầu thị đó, vợ chồng chúng tôi dần mở rộng được quy mô kinh doanh. Giai đoạn những năm đầu 2001, chúng tôi phát triển từ một Doanh nghiệp tư nhân lên Công ty, xây dựng nên kho cảng Đức Thành, thuận lợi cho việc vận chuyển đường sông với chi phí tiết kiệm. Đây là một kho cảng sông tư nhân đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh vào thời điểm đó. Sau đó, chúng tôi xây dựng lên nhà máy sản xuất phân NPK tại đó.”

“Song song gian đoạn đó, chúng tôi xây dựng thêm nhà máy sản xuất Thuốc BVTV Đông Nam Đức Thành tại khu công nghiệp Thành Thành Công. Đến năm 2017, nhà máy sản xuất phân hữu cơ Hitech Organic ra đời, đánh dấu một chương mới trong việc đầu tư vào nền nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.”

Nhà máy lúa gạo lớn nhất Tây Ninh ra đời

MC Ngọc Thật: “Thời gian qua, cả nước ta nói chung và Tây Ninh nói riêng phải trải qua giai đoạn đại dịch Covid-19, cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình phát triển kinh doanh. Vậy thì trong thời điểm ấy, chị đã vận hành và vượt qua những khó khăn đó như thế nào ạ?”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Giai đoạn dịch Covid diễn ra năm 2020-2021 có thể nói là một thời kì u ám trong trí nhớ của mỗi người. Đó là giai đoạn mà chúng tôi gặp phải những khó khăn không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần của nông dân, khách hàng, đối tác và nhân viên đều bị giảm sút nghiêm trọng. Ở cương vị là một người lãnh đạo doanh nghiệp, tôi không cho phép mình bị chi phối bởi những luồng cảm xúc tiêu cực đó. Trong thời gian giãn cách, công ty chúng tôi dành thời gian để quan tâm lẫn nhau, động viên tinh thần khách hàng, khích lệ nhân viên. Đó đồng thời cũng là thời gian mà nhà máy gạo Lúa Vàng Việt – nhà máy thứ 4 của chúng tôi bắt đầu đi vào hoạt động những mẻ lúa đầu tiên sớm hơn dự kiến. Do gian đoạn giãn cách, không có người mua lúa cho nông dân. Được sự ủng hộ từ cơ quan chính quyền, chúng tôi tự tổ chức thu mua lúa cho nông dân tại khu vực huyện Châu Thành. Góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nông dân do lúa gãy đổ.”

“Từ sự kiện trên, các cơ quan ban ngành địa phương đã giới thiệu cho nhà máy Lúa Vàng Việt chúng tôi về mô hình Tổ Liên Kết. Từ đó, chúng tôi xây dựng nên Dự án này. Và đầu năm 2022, Dự án đã được duyệt và đi vào hoạt động.”

MC Ngọc Thật: “Gần đây, trên thị trường đã xuất hiện một thương hiệu gạo sạch với tên gọi là Lúa Vàng Việt. Theo như Ngọc Thật được biết, đây cũng chính là một sản phẩm mới của công ty Đức Thành. Chị có thể chia sẻ thêm một vài thông tin về điều này.”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Nhà máy Lúa Vàng Việt là tâm huyết lớn của công ty Đức Thành. Chúng tôi xây dựng một quy trình chuẩn mực từ khâu vật tư giống, quy trình phân thuốc cho đến thu hoạch. Tiêu chuẩn VietGap hiện nay đang là một mục tiêu lớn của chúng tôi.”

“Việc giải quyết đầu ra của nông sản là một trong những phương án được chúng tôi nghĩ đến và ấp ủ trong nhiều năm liền. Chồng tôi – ông Đào Thật, hiện đang là Giám đốc nhà máy Lúa Vàng Việt – đã dành ra hơn 2 năm liền để học hỏi về máy móc, công nghệ và đặc tính của ngành xay xát lúa gạo.”

Sự mày mò nghiên cứu phát triển nhà máy

Chị Lê Thị Mai Huyền chia sẻ về quá trình hoàn thiện nhà máy: “Năm 2019, chúng tôi bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy Lúa Vàng Việt tại huyện Châu Thành. Đến năm 2020 thì hoàn thiện. Dự kiến, chúng tôi có thể xay xát gần 90,000 tấn lúa/năm. Hiện tại, chúng tôi đang đưa vào kinh doanh mặt hàng gạo trắng thương phẩm, nổi bật với một số giống lúa nổi tiếng của Việt Nam như ST25, Đài Thơm Tám hay OM18. Hiện tại, 100% lúa sản xuất tại nhà máy Lúa Vàng Việt đều được trồng tại Tây Ninh.”

MC Ngọc Thật: “Không biết bước đầu hiện thực hoá ý tưởng về Lúa Vàng Việt, đưa vào hoạt động nhà máy, chị Huyền cũng như về phía công ty có gặp những khó khăn nào không ạ?”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Khó khăn đầu tiên tôi nghĩ nó đến từ kì vọng của chính mình. Chúng tôi có một yêu cầu rất cao đối với sản phẩm hạt gạo thành phẩm. Đòi hỏi gạo không những đạt yêu cầu về chất lượng, mà còn phải được chế biến trong công nghệ hiện đại để đưa ra mẫu mã đẹp, bắt mắt. Chúng tôi gặp áp lực khi biết được con số vốn cần đầu tư ban đầu. Đó thực sự là một con số lớn, mang rủi ro kinh tế cao.”

“Tuy nhiên, khi chúng ta thực sự tâm huyết và vững tin, khó khăn nào rồi cũng có cách tháo gỡ. Sau một thời gian thì chúng tôi cũng đã tìm ra được cách để triển khai, và bạn thấy đó, giờ đây Tây Ninh đang có một nhà máy Lúa Vàng Việt rộng 15,000m2.”

MC Ngọc Thật: “Từ ý tưởng trên giấy đến việc chuyển thành từng công việc cụ thể để thực hiện, không thể nào tránh khỏi những khó khăn, trở ngại đúng không ạ? Vậy khi đối diện với những điều đó, bên công ty cũng như bản thân chị là người đứng đầu đã có những giải pháp nào ạ?”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Có một sự thật là nhà máy Lúa Vàng Việt sẽ khó có được vị thế như bây giờ nếu như không có sự ủng hộ và khích lệ động viên từ các cơ quan ban ngành. Cùng với mục tiêu lớn đã được đặt ra ban đầu là hỗ trợ người nông dân Tây Ninh giải quyết đầu ra cho gạo. Chúng tôi còn có thể góp phần quản lý được chất lượng gạo ngay từ trên ruộng lúa, thông qua việc quản lý lượng phân thuốc cũng như hỗ trợ người nông dân kịp thời trong việc hướng dẫn sử dụng phân bón & thuốc BVTV một cách hiệu quả và an toàn.”

“Nhờ những lý do đó, chúng tôi đã thuyết phục thành công UBND tỉnh Tây Ninh hỗ trợ một phần chi phí trong việc xây dựng, vận hành nhà máy. Cũng như cũng đã được hỗ trợ & thông qua “Dự án Tổ Liên Kết” – mô hình liên kết cấp tỉnh đầu tiên diễn ra giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân tại tỉnh Tây Ninh. Có thể nói, sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan ban ngành & các cấp lãnh đạo chính là một yếu tố quan trọng giúp chúng tôi vượt qua khó khăn.”

Khẳng định vị thế hạt gạo Tây Ninh

MC Ngọc Thật: “Hiện nay, năng suất hoạt động của nhà máy Lúa Vàng Việt như thế nào? Và đâu là thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo sạch mà công ty đã định hướng để có thể đạt được trong thời gian tới ạ?”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Hiện nay, công suất của nhà máy Lúa Vàng Việt có thể xay xát gần 90,000 tấn lúa/năm. Hiện tại chúng tôi tập trung thu mua lúa từ hơn 2000 ha ruộng lúa của nông dân trong Tổ liên kết. Tuy nhiên con số này vẫn còn quá nhỏ đối với tổng diện tích lúa thực tế được trồng trong tỉnh.”

“Trong tương lai, cùng với mục tiêu mở rộng thị trường kinh doanh, phân phối gạo nội địa, chúng tôi còn kì vọng sẽ xuất khẩu được gạo Tây Ninh sang thị trường các nước khác. Nhờ đó, sẽ có nhiều người nông dân, nhiều mẫu ruộng hơn được chúng tôi bao tiêu hỗ trợ. Chúng tôi kì vọng sẽ được nhân rộng mô hình Tổ liên kết này sang nhiều tỉnh này khác nữa.”

“Vào cuối tháng 9 và đầu tháng 11 năm nay, công ty chúng tôi sẽ có những chuyến thăm & gặp gỡ các đối tác tiềm năng tại thị trường Philippines và Nam Phi, từng bước tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu gạo Tây Ninh đi thị trường quốc tế.”

Tổ Liên Kết bao tiêu lúa – nơi hỗ trợ đầu ra của nhà nông Tây Ninh

MC Ngọc Thật: Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Vậy hiện nay mình có nhận được sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước thông qua các chính sách cụ thể nào không ạ?

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Nói về “Dự án Tổ Liên Kết”, thì đây là mô hình cấp Tỉnh đầu tiên tại Tây Ninh diễn ra giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân. Với mục tiêu đề ra là quản lý được nguồn nguyên liệu đầu vào đồng thời bao tiêu lúa cho nông dân, giúp người nông dân giảm thiểu mối lo tiêu thụ đầu ra mỗi khi vụ mùa về.

Hiện tại, mô hình TLK đã có mặt tại hơn 2020 hecta, chủ yếu tập trung ở 04 huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Gò Dầu & Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh. Ở năm đầu tiên, nhà máy Lúa Vàng Việt thu mua lúa tươi của hơn 750 hộ nông dân trên toàn tỉnh với mức giá luôn cạnh tranh với thị trường.”

Người phụ nữ bản lĩnh “chinh chiến” giữa thương trường

MC Ngọc Thật: “Một câu hỏi nhỏ mà Ngọc Thật muốn dành riêng cho chị: đó là khi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh này, bản thân chị Mai Huyền là một người phụ nữ, chị có gặp những khó khăn nào không?”

Chị Lê Thị Mai Huyền: “Từng trong một thời gian dài, tôi từng cho rằng người phụ nữ trong gia đình không nên quá thành công trong sự nghiệp. Vì tôi ngại rằng việc đó sẽ ảnh hưởng không tốt tới hạnh phúc gia đình và sức khoẻ bản thân. Tuy nhiên, sau khi tôi tham gia những khoá học về cải thiện tinh thần thì quan niệm của tôi đã thay đổi. Đó là:

Phụ nữ vẫn có thể thành công. Và sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu tôi áp dụng sự thành công đó vào sự phát triển của công ty & góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho khách hàng, cho nông dân và những người cộng sự, nhân viên của mình. May mắn của tôi vào thời điểm đó là chồng luôn ủng hộ và khích lệ sự thành công của tôi.”

“Chúng tôi đầu tư nhiều vào công tác giáo dục. Không chỉ đầu tư giáo dục cho con cái. Chính bản thân chúng tôi – những người đứng đầu doanh nghiệp – vẫn luôn đi học thêm mỗi ngày. Chúng tôi học thêm về kiến thức chuyên ngành, hoặc học về cách điều chỉnh tư duy. Nhờ cân bằng tâm lý & điều chỉnh tư duy, tôi học được cách suy nghĩ tích cực và có góc nhìn đúng đắn hơn về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Có thể nói, đầu tư vào giáo dục và không ngừng phát triển bản thân là một phương pháp thực sự hữu hiệu để bạn có thể dễ dàng vượt qua các trở ngại trong cuộc sống mỗi ngày. Nếu có một lời khuyên dành cho giới trẻ, thì đây chính là thông điệp của tôi.”