Đức Thành gợi ý các giải pháp tăng năng suất cho lúa hiệu quả • Phân bón & Thuốc BVTV Đức Thành

Đức Thành gợi ý các giải pháp tăng năng suất cho lúa hiệu quả

Lúa chiếm vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp nước ta và Thế giới. Trong nhiều năm qua, sản xuất lúa Việt Nam đang có xu hướng ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu lớn. Bên cạnh đó, hiện nay việc sản xuất cũng gặp không ít khó khăn bởi sự biến đổi khí hậu, thời tiết nhiều sâu bệnh hại tấn công lúa ảnh hưởng nặng, giảm đi năng suất lúa. Qua những thông tin bên dưới, Đức Thành gợi ý đến quý bà con các giải pháp tăng năng suất lúa hiệu quả cho vụ mùa đạt chất lượng hơn.

1. Các yếu tố cấu thành năng suất lúa

Năng suất lúa được tạo thành bởi các yếu tố: Số bông trên đơn vị diện tích, số hạt trên bông, tỷ lệ hạt chắc và khối lượng 1000 hạt.

Có thể tính năng suất lúa theo công thức sau:

Năng suất = Số bông/m2 x Số hạt chắc/bông x KL 1000 hạt/1000

Các yếu tố này được hình thành trong thời gian khác nhau, có những quy luật khác nhau, chịu tác động của các điều kiện khác nhau. Song chúng lại có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Để đạt năng suất cao cần có cơ cấu các yếu tố năng suất hợp lý.

Đức Thành gợi ý các giải pháp tăng năng suất cho lúa hiệu quả
Đức Thành gợi ý các giải pháp tăng năng suất cho lúa hiệu quả

2. Điều kiện ảnh hưởng đến năng suất lúa 

a. Số bông 

Trong các yếu tố tạo thành năng suất lúa thì số bông là yếu tố có tính chất quyết định nhất và sớm nhất. Số bông có thể đóng góp 74% năng suất. Trong khi số hạt và trọng lượng hạt đóng góp 26%. Số bông hình thành do các yếu tố như: Mật độ cấy; Số nhánh đẻ; Các điều kiện ngoại cảnh và kỹ thuật chăm sóc,…

b. Số hạt trên bông 

Số hạt trên bông nhiều hay ít tùy thuộc vào số gié, hoa phân hóa cũng như số gié, hoa thoái hóa. Các quá trình này nằm trong thời kỳ sinh trưởng sinh thực từ lúc làm đòng đến trổ bông.

Số hạt trên bông = Số hoa phân hóa – Số hoa thoái hóa

Số gié và hoa phân hóa được quyết định trong thời kỳ đầu và quá trình làm đòng: bước 1 ÷ 3 trong vòng 7 ÷ 10 ngày, ứng với chỉ số tuổi lá 78 ÷ 87%. Số hoa phân hóa nhiều hay ít phụ thuộc vào sinh trưởng của cây và điều kiện ngoại cảnh. Những yếu tố có ảnh hưởng đến số hoa phân hóa.

Số gié cấp 1 và cấp 2 phân hóa. Giữa số gié cấp 1 và cấp 2 có quan hệ thuận, trong đó quan hệ giữa số gié cấp 2 và số hoa chặt hơn. Ví dụ khi số gié cấp 2 tăng từ 16 lên 28 thì số hoa trên bông cũng tăng từ 90 lên 140.

Số mạch dẫn ở cuống bông nhiều hay ít, có liên quan đến số gié cấp 1. Những giống có cuống bông lớn, số mạch dẫn nhiều thì số gié cấp 1 cũng nhiều.

Kích thước tiết diện ngang của các lóng gốc càng lớn thì số hoa phân hóa càng nhiều. Thời kỳ làm đốt thường trùng với làm đòng. Ở thời kỳ này nếu cây khoẻ, các lóng gốc to có tác dụng tốt đến việc phân hóa hoa trên bông.

Hàm lượng đạm trong lá ở thời kỳ làm đòng cao hay thấp cũng có ảnh hưởng đến số hoa trên bông. Do đó việc bón phân thời kỳ đòng, xúc tiến lá chuyển xanh có lợi cho việc tăng số hoa trên bông.

Hiện tượng thoái hóa hoa: 

Sau khi gié cấp 1, cấp 2 và hoa phân hóa xong nếu gặp điều kiện thuận lợi sẽ trở thành hoa hữu hiệu, ra hoa và kết hạt chắc bình thường. Ngược lại nếu gặp điều kiện trở ngại, chúng không tiếp tục phát triển, đó là quá trình thoái hóa gié và hoa. Thời kỳ thoái hóa hoa thường bắt đầu vào bước 4 và kết thúc vào bước 6, tức là khoảng 20 ÷ 12 ngày trước trỗ. Số gié và hoa thoái hóa thường tập trung ở gốc bông, số lượng thoái hóa của gié cấp 1 khoảng 4 ÷ 5%, gié cấp 2 khoảng 30 ÷ 40% và hoa khoảng 20 ÷ 25%. Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa gié và hoa chủ yếu là do thiếu dinh dưỡng ở thời kỳ làm đòng hoặc do ngoại cảnh bất lợi như thiếu ánh sáng, bị ngập, hạn, sâu bệnh, … Vì vậy gieo cấy đúng thời vụ, bón thúc đòng đều có tác dụng tốt đối với việc hạn chế quá trình thoái hóa hoa, tăng số hoa hữu hiệu trên bông.

c. Tỷ lệ hạt chắc 

Tăng tỷ lệ hạt chắc hay nói cách khác là giảm tỷ lệ hạt lép trên bông. Hạt chắc là những hạt nặng, có tỷ trọng trên 1,06. Tỷ lệ hạt chắc tăng trọng lượng bông tăng nên năng suất cuối cùng tăng. Tỷ lệ hạt lép trên bông có thể thay đổi trong phạm vi tương đối rộng, ít là 2 ÷ 5%, thông thường là 5 ÷ 10%, cũng có khi 20 ÷ 30% hoặc thậm chí còn cao hơn.

Tỷ lệ hạt chắc được quyết định ở thời kỳ trước và sau trổ bông. Có 3 thời kỳ quyết định trực tiếp là giảm nhiễm, trổ bông và chín sữa. Nguyên nhân hạt lép là do quá trình thụ phấn thụ tinh không thuận lợi, khi ra hoa gặp rét hoặc nóng quá, ẩm độ không khí quá thấp hoặc quá cao, làm cho hạt phấn mất khả năng nảy mầm. Hoặc trước đó nhị và nhụy phát triển không hoàn toàn, tế bào mẹ hạt phấn bị hại.

– Yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ hạt chắc

+ Lượng phân bón: Mỗi giống lúa yêu cầu một lượng đạm nhất định để sinh trưởng và hình thành năng suất. Vượt quá giới hạn yêu cầu, bón thừa đạm dễ làm tỷ lệ hạt chắc giảm. Vì vậy cần phải chú ý khi sử dụng phân đạm, không bón quá nhiều hoặc bón muộn. Bón thừa đạm, bón muộn, có thể kéo dài sinh trưởng thân lá, không có lợi cho quá trình làm đòng. Ngoài ra thân lá sinh trưởng kéo dài dễ bị sâu bệnh hại do đó ảnh hưởng xấu đến quá trình vào chắc.

+ Lúa bị lốp đổ: nhất là thời kỳ trỗ bông, làm hạt lúa bị lốp đổ sẽ cho tỷ lệ hạt chắc giảm.

+ Cường độ ánh sáng: Thời kỳ cuối nếu cường độ ánh sáng giảm, hoạt động quang hợp gặp trở ngại, lượng hydrat cacbon hình thành không đáp ứng đủ cũng làm tỷ lệ hạt chắc giảm.

+ Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao: Ảnh hưởng đến thời kỳ sinh trưởng sinh thực, nhất là lúc lúa trỗ bông, nở hoa, nếu nhiệt độ xuống dưới 200C hoặc cao hơn 350C, đều không có lợi cho quá trình thụ phấn thụ tinh, lúa bị lép nhiều. Thời kỳ lúa chín nếu nhiệt độ cao hơn 350C kéo dài sẽ rút ngắn thời gian chín cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ hạt chắc.

+ Các điều kiện ngoại cảnh thời kỳ trỗ, vào chắc như mưa bão, hạn, sâu bệnh hoặc đất mặn… đều ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ hạt chắc.

d. Khối lượng 1000 hạt

Khối lượng 1000 hạt là yếu tố cuối cùng tạo năng suất lúa. So với các yếu tố khác thì khối lượng 1000 hạt tương đối ít biến động, nó phụ thuộc chủ yếu vào giống. Khối lượng 1000 hạt do 2 bộ phận cấu thành, khối lượng vỏ trấu và khối lượng hạt gạo. Khối lượng vỏ trấu thường chiếm 20% và khối lượng hạt gạo chiếm 80% khối lượng toàn hạt. Muốn có khối lượng hạt cao phải tác động vào cả 2 yếu tố này.

– Vỏ trấu: Thời gian quyết định kích thước vỏ trấu chủ yếu là thời kỳ giảm nhiễm đến trỗ bông. Sau trỗ bông khối lượng vỏ trấu ít thay đổi.

– Hạt gạo: Khối lượng hạt gạo tăng mạnh nhất từ trổ bông đến sau trổ khoảng 18 ÷ 20 ngày. Những thí nghiệm cắt lá, che ánh sáng vào thời kỳ giảm nhiễm và chín sữa có ảnh hưởng rõ rệt nhất đến khối lượng hạt. Ngoài ánh sáng, yếu tố nhiệt độ, nhất là biên độ chênh lệch ngày và đêm, có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình quang hợp, tích lũy, vận chuyển vật chất về hạt. Vì vậy, giữ cho lá lúa xanh lâu, quang hợp vận chuyển chất hữu cơ tốt là yếu tố quan trọng tác động đến trọng lượng hạt.

3. Các biện pháp tăng năng suất lúa hiệu quả 

3.1 Tăng năng suất lúa nhờ chọn giống chuẩn 

Giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành của Việt Nam. Sử dụng hạt giống cấp xác nhận trở lên (giống F1 đối với lúa lai)Sử dụng giống lúa ngắn ngày (vụ Đông Xuân <120 ngày; vụ Hè Thu <100 ngày), cứng cây, năng suất, chất lượng cao, kháng hoặc ít nhiễm sâu, bệnh, sản phẩm dễ tiêu thụ.

3.2 Tăng năng suất lúa nhờ áp dụng đúng kỹ thuật làm đất

– Làm đất bằng máy phải đảm bảo vùi sâu rơm, rạ, cỏ dại, mặt ruộng bằng phẳng, bùn nhuyễn, tầng bùn sâu 12-15 cm. Tạo các rãnh thoát nước trong ruộng trước khi gieo sạ; không để nước đọng thành vũng trên mặt ruộng.

– Đối với đất phèn, mặn không nên làm đất quá kỹ, không phơi ải quá lâu để tránh xì phèn, bốc mặn lên mặt ruộng.

3.3 Chọn thời vụ gieo sạ thích hợp nhất

Khung thời vụ khuyến cáo:

– Vụ Đông Xuân:

+ Vùng chủ động nguồn nước: Chính vụ tập trung gieo sạ từ 15/12 – 31/12, cho lúa trỗ tập trung sau 5/3; thu hoạch trước 30/4 (không gieo muộn sau 10/01).

– Vụ Hè Thu:

+ Vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm: Gieo sạ từ 25/3 – 10/4.

+ Vùng gieo sạ 2 vụ lúa/năm: Tập trung gieo từ 5/5 – 30/5, kết thúc gieo trước 10/6, cho lúa trỗ tập trung sau tiết lập thu; thu hoạch xong trước 15/9.

3.4 Mật độ sạ lúa hợp lý 

Sạ lúa mật độ hợp lý và vừa phải tạo điều kiện lúa phát triển tốt, hạn chế được việc đổ ngã lúa và hạn chế sâu bệnh hại. Bà con không sạ quá dày vì lúa dễ bị sâu bệnh gây hại. Bà con không nên sạ thưa quá cũng sẽ làm cho năng suất lúa bà con kém.

Và khi lúa sạ thưa quá tạo điều kiện cho cỏ dại mọc cạnh tranh chất dinh dưỡng với cây lúa.

Đức Thành gợi ý các giải pháp tăng năng suất cho lúa hiệu quả
Mật độ sạ lúa phù hợp.

3.5 Bón phân đầy đủ và bón đúng thời điểm thích hợp

Để tăng năng suất lúa nên bón phân đúng thời gian sinh trưởng và đầy đủ các loại phân cần thiết cho lúa. Trong giai đoạn lúa sinh trưởng, bà con nên bón đầy đủ chất dinh dưỡng cho lúa làm cho bộ rễ cũng như cây lúa phát triển tốt, tăng số nhánh hữu hiệu cao, hạn chế nhánh vô hiệu, Thời kỳ trổ bông, cần bón cân đối hợp lý tạo điều kiện cho lúa nuôi đòng và lúa lai tăng năng suất.

Bón phân hơn lúa thuần 30%.

– Bón thúc trong vụ Đông Xuân:

Lần 1: Sau sạ 10-15 ngày, bón 20% N + 15-20 P2O5.

Lần 2: Sau sạ 20-22 ngày, bón 30%N + 40% K2O.

Lần 3: Sau sạ 40-45 ngày, bón 30% N + 40% K2O.

– Bón thúc trong vụ Hè Thu:

Lần 1: Sau sạ 10-12 ngày, bón 20% N + 15-20 P2O5.

Lần 2: Sau sạ 18-20 ngày, bón 30%N + 40% K2O.

Lần 3: Sau sạ 40-45 ngày, bón 30% N + 40% K2O.

3.6 Tưới tiêu nước tốt

Nước đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa, điều tiết nước hợp lý giúp cây lúa vừa phát triển tốt ngăn chặn được sâu bệnh hại. Khi bón thúc cần giữ nước ngập góc tạo điều kiện hòa tan phân bón cho lúa dễ hấp thu được chất dinh dưỡng tạo độ ẩm cho lúa đẻ nhánh. Đến thời kỳ trổ bông, giữ nước vừa phải, giữ ruộng đủ độ ẩm, không để ruộng bị khô hạn. Đến 10-12 ngày trước thu hoạch nên rút hết nước ra khỏi ruộng để ruộng khô ráo để việc máy vào thu hoạch lúa được thuận lợi hơn.

3.7 Phòng trừ sâu bệnh tốt

Bà con nên thường xuyên thăm ruộng, chú ý các sâu bệnh phổ biến lúa hay gặp phải nhằm phát hiện kịp thời phòng trừ, trị như bệnh: Đạo ôn, Rầy cánh trắng, lem lép hạt, vàng lá chín sớm, rầy nây, sâu cuốn lá,….Bên cạnh đó, cỏ dại cũng một phần làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và làm giảm năng suất lúa.

Những thông tin được Đức Thành tổng hợp trên đây sẽ giúp quý bà con có thêm nguồn tham khảo, chăm sóc lúa thuận lợi hơn. Cũng như việc lưu ý những thông tin trên, giúp bà con có thêm giải pháp tăng năng suất lúa thu hoạch. Cần hỗ trợ tư vấn miễn phí, bà con vui lòng gọi đến Hotline 0933921349 để được hỗ trợ.