Một số loại phân bón được sử dụng để giảm liều lượng, tăng hiệu quả phân bón hóa học • Phân bón & Thuốc BVTV Đức Thành

Một số loại phân bón được sử dụng để giảm liều lượng, tăng hiệu quả phân bón hóa học

Một số loại phân bón được sử dụng để giảm liều lượng, tăng hiệu quả phân bón hóa học – trích trong sách Bón phân khoa học, phân hữu cơ thay thế phân hóa học. Hãy cùng Hi-tech Organic tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết sau nhé!

1. Phân bón nhả chậm là gì?

Phân bón nhả chậm (còn được gọi là phân bón phân giải chậm) được hiểu là trong phân đó có các chất dinh dưỡng tan ra từ từ, kéo dài thời gian tan trong môi trường lâu hơn loại phân bón bình thường.

Mục đích sử dụng phân bón nhả chậm là:

– Giảm hao hụt dưỡng chất phân bón trong đất đặc biệt là nitơ.

– Giảm số lần bón phân, từ đó tiết kiệm chi phí và sức lao động.

– Tránh hiện tượng vì bón phân quá nhiều khiến hạt giống hoặc cây con bị tổn thương.

Phân bón nhả chậm chủ yếu là phân đạm. Lõi phân bón này có cấu tạo gồm phần vỏ bọc và lõi. Vỏ bọc được làm từ polymer – đóng vai trò là lớp bảo vệ và điều khiển quá trình thấm nước, có thể kiểm soát được tốc độ nhả dinh dưỡng của phân.

Phần lõi gồm các loại phân dễ tan và các chất mang (thường dùng khoáng sét có tính dẻo, dính để dễ dàng tạo viên). Cấu trúc này làm thay đổi thành phần hóa học của phân đạm, từ đó khiến cho các dưỡng chất được giải phóng từ từ, duy trì được hiệu quả của phân bón trong thời gian dài.

Phân bón nhả chậm thường được phân chia thành 2 loại là phân bón hòa tan chậm và phân bón có màng bọc.

a. Phân bón hòa tan chậm

Thành phần chủ yếu của phân bón hòa tan chậm là các hợp chất khó hòa tan trong nước. Struvite (công thức hóa học là MgNH4PO4, còn có tên gọi là ammonium magnesium phosphate hexahydrate) là loại phân bón hòa tan chậm thường được sử dụng.

Từ những năm 1957, người Anh đã phát hiện struvite là hợp chất hóa học hòa tan chậm, đồng thời chỉ rõ rằng nó có thể được sử dụng làm phân bón hòa tan chậm để bón cho cây trồng. Struvite là chất rắn màu trắng, có 2 trạng thái kết tinh là ngậm một nước và ngậm sáu nước. Loại phân bón thương phẩm được bán trên thị trường thông thường chứa 9.02% đạm, 45.69% lân (P2O5), 25.95% Magnesium Oxide (MgO). Thực nghiệm trên diện tích lớn cho thấy struvite là loại phân bón tốt cho cây ăn quả, cây cảnh, cây lấy gỗ.

Struvite là loại phân bón hòa tan chậm thường được sử dụng.
Struvite là loại phân bón hòa tan chậm thường được sử dụng.

b. Phân bón có màng bọc

Loại phân bón này thường có màng bọc bằng sáp, polymer và lưu huỳnh, cũng có thể sử dụng nhựa đường, xi măng Portland, struvite làm vỏ bọc. Trên bề mặt của phân bón hòa tan trong nước dạng hạt có phủ lớp vật chất bán thấm nước hoặc không thấm nước, để cho dưỡng chất thông qua vi lỗ, khe hở của vỏ bọc, giải phóng dần dần, hoặc giải phóng mạnh ở một giai đoạn sinh trưởng nào đó của cây trồng, giúp cây trồng có thể hấp thu đúng thời điểm, từ đó làm giảm thất thoát dưỡng chất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Các loại phân bón có vỏ bọc hay sử dụng gồm phân ure bọc lưu huỳnh và phân ure bọc nhựa cây.

(1) Phân ure bọc lưu huỳnh SCU (sulfur-coated urea): Công nghệ sản xuất phân bọc lưu huỳnh được phát triển trong thập niên 1960 và 1970 bởi Trung tâm Phát triển Phân bón Quốc gia (Mỹ). Lưu huỳnh được chọn là vật liệu vỏ bọc chính vì nó có giá rẻ và có giá trị như 1 chất dinh dưỡng cấp 2 (trung lượng). SCU thích hợp với các loại cây trồng có thời gian sinh trưởng lâu ngày (như cây mía, cây dứa), không thích hợp với các loại cây trồng sinh trưởng nhanh (như cây ngô). So với phân đạm thông thường, dưỡng chất trong phân SCU được cây trồng hấp thụ với hiệu quả tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, phân SCU còn có tác dụng tăng sản lượng của cây trồng.

Phân ure bọc lưu huỳnh hay còn được gọi là ure sữa
Phân ure bọc lưu huỳnh hay còn được gọi là ure sữa

(2) Phân ure bọc nhựa cây: Loại phân này dùng các loại nhựa cây khác nhau làm vỏ bọc. Vì giải phóng chậm, có hiệu quả lâu dài, nên có thể giảm số lượng lần bón thúc. Cây ngô nếu sử dụng phân bọc nhựa cây thì chỉ cần bón lót một lần, giải quyết được sự bất tiện của việc bón thúc thường gặp ở cây ngô. Đối với cây lúa nước, khi cấy mạ chỉ cần bón đủ phân một lần là có thể giảm số lần bón phân. Đối với các loại rau củ, đặc biệt là loại rau củ trồng bằng cách phủ đất, thì sử dụng phân ure bọc nhựa cây cũng có thể làm giảm số lần bón phân, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm phân bón. Kết quả thử nghiệm cho thấy, sử dụng phân ure bọc nhựa cây có thể tiết kiệm 50% lượng phân bón.

2. Phân bón hòa tan trong nước

Phân bón hòa tan trong nước là loại phân bón ở dạng rắn hoặc dạng lỏng, sau khi hòa tan trong nước hoặc pha loãng thì có thể sử dụng bón lá cây, tưới nhỏ giọt, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng thủy canh hoặc khí canh, ngâm hạt giống hoặc chấm vào rễ cây.

Phân bón hòa tan trong nước thường được chia thành 3 loại chính là phân bón dạng rắn dễ tan trong nước, phân bón dạng lỏng và phân bón lá.

a. Phân bón dạng rắn dễ tan trong nước

Các loại phân đạm thường gặp bao gồm: Phân urê (chứa 46% N), diêm tiêu (chứa 13% N, 46% K2O), đạm một lá (chứa 21% N), amoni nitrat (chứa 34% N), amoni dihydrogen phosphate (ADP) (chứa 12% N, 61% P2O5), canxi nitrat (chứa 15% N), magie nitrat (chứa 11% N).

Các loại phân lân gồm có: Kali dihydrophosphat (KDP) (chứa 52% P2O5, 34% K2O), amoni dihydrogen phosphate (ADP) (chứa 12% N, 61% P2O5).

Các loại phân kali gồm có: kali chloride (tinh thể màu trắng, chứa 60% K2O), diêm tiêu (chứa 13% N, 46% K2O), kali sunfat (dạng hòa tan trong nước, chứa 50% K2O), kali thiosulfate (chứa 25% K2O), kali dihydrophosphate (KDP) (chứa 52% P2O5, 34% K2O).

b. Phân bón dạng lỏng

Phân bón dạng lỏng là sản phẩm dạng lỏng chứa 1 hoặc trên một loại nguyên tố dưỡng chất cần thiết cho cây trồng, thông thường với thành phần chủ yếu là một trong ba, hoặc cả ba nguyên tố dưỡng chất chính là nitơ, phốt pho, kali. Phân bón dạng lỏng có thể được chia làm hai loại là phân nito dạng lỏng và phân phức hợp dạng lỏng… Phân bón lỏng chứa nitơ được sử dụng ở Tiệp Khắc, Đan Mạch và các quốc gia khác, và phân bón lỏng phức hợp được sử dụng ở Pháp, Anh, Canada.

Phân bón lỏng chứa nitơ gồm có phân đạm, amoniac lỏng khan, amoniac dạng nước, amoni, dung dịch đậm đặc của amoni nitrat và ure.

Phân phức hợp dạng lỏng có chứa hai hoặc ba nguyên tố thực vật cơ bản (nitơ, phốt pho và kali) với tỷ lệ khác nhau, ví dụ như ammonium phosphate. Có thể thêm vào loại phân này các nguyên tố trung lượng (Ca, Mg, S) và nguyên tố vi lượng (Zn, B, Fe, Mn, Mo) cũng như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích thực vật, mang lại hiệu quả tổng hợp, tăng sản lượng cây trồng rõ rệt. Vì phân phức hợp không chứa nitơ tự do nên chúng có thể được bón lên bề mặt trong quá trình cày, xới hoặc bừa và trong quá trình gieo hạt.

c. Phân bón lá

Phân bón lá là loại phân bón được phun lên bề mặt lá và được cây trồng hấp thụ. Nó là một loại dưỡng chất được tạo bởi các nguyên tố đa lượng hoặc vi lượng như nitơ (N), phốt pho (P), kali (K), sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), man-gan (Mn) v.v. Phần lớn được sử dụng để bổ sung dưỡng chất khi rễ cây trồng hấp thụ nước và phân kém, mục đích là thúc đẩy sự sinh trưởng phát triển của cây trồng.

Phân bón lá giúp bổ sung dưỡng chất cho cây
Phân bón lá giúp bổ sung dưỡng chất cho cây

Phân bón lá có thể là các loại phân đơn như: N, P, K, Cu, Zn v.v. Phân bón lá hỗn hợp gồm các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng ở dạng hòa tan trong nước. Một số phân còn bổ sung thêm các chất kích thích sinh trưởng cây, các phitohoocmon, các enzim vào để tăng năng suất sử dụng.

3. Phân bón sinh học

Theo nghĩa hẹp, phân bón sinh học là chế phẩm thông qua hoạt động của vi sinh vật giúp cây trồng nhận được dưỡng chất. Bản thân nó không chứa dưỡng chất, không thể thay thế phân bón hóa học.

Theo nghĩa rộng, phân bón sinh học là chế phẩm vừa chứa dưỡng chất cần thiết cho cây trồng vừa chứa vi sinh vật. Nó có thể thay thế cho phân hóa học, cung cấp các loại nguyên tố dưỡng chất cần thiết cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng.

Phân bón sinh học cung cấp vi sinh có lợi cho cây trồng
Phân bón sinh học cung cấp vi sinh có lợi cho cây trồng

4. Chất cải tạo đất có tác dụng gì?

Chất cải tạo đất có tác dụng cải tạo ba tính năng lớn của đất trồng là khả năng giữ nước, độ phì nhiêu, tính thoáng khí. Nó phá vỡ sự chai cứng của đất trồng, làm cho đất trồng tơi xốp, nâng cao tính thoáng khí, giảm mật độ khối của đất trồng, thúc đẩy hoạt tính của vi sinh vật trong đất, tăng cường khả năng thẩm thấu của phân và nước. Nó có chứa chức năng cải tạo đất, giữ nước chống hạn hán, tăng cường khả năng chống sâu bệnh của cây trồng, nâng cao sản lượng cây trồng cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp, khôi phục hệ sinh thái ban đầu của cây trồng v.v.

Chất cải tạo đất có thể cải thiện tính chất hóa lý của đất cũng như hoạt tính của vi sinh vật, tăng cường độ phì nhiêu của đất trồng. Thành phần chủ yếu của than bùn là axit humic và axit fulvic được chứng minh là có thể thúc đẩy sự phát triển của hệ rễ và có ích cho hoạt động của vi sinh vật.

Nói một cách đơn giản, chất cải tạo đất có thể giúp đất giải phóng các loại dưỡng chất có lợi cho thực vật hấp thụ, cải tạo đất phèn, đất mặn, đất đóng bánh, nâng cao tính thẩm thấu của đất trồng, tăng cường khả năng giữ nước giữ phân của đất và khả năng trao đổi ion dương, khiến các nguyên tố vi lượng càng được rễ cây trồng hấp thụ tốt hơn, có lợi cho liên kết chelation (chelation một loại liên kết của các ion và phân tử các ion kim loại) giữa thực vật với sắt, kẽm, đồng, magie, giảm bớt sự hấp thụ ion natri từ muối ở trong đất.

5. Phân bón hữu cơ Hi-tech Organic – Nâng tầm nông nghiệp, hướng đến canh tác bền vững

Phân bón hữu cơ Hi-tech Organic - Nâng tầm nông nghiệp, hướng đến canh tác bền vững
Phân bón hữu cơ Hi-tech Organic – Nâng tầm nông nghiệp, hướng đến canh tác bền vững

Ngày nay, việc sử dụng phân hữu cơ trong quá trình canh tác là điều tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Phân bón hữu cơ Hi-tech Organic là sự lựa chọn tuyệt hảo dành cho nhà nông:

– Hạn chế phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường

– Cải tạo những vùng đất bạc màu, ít dinh dưỡng

– Tăng sức đề kháng cho cây trồng, bảo vệ rễ cây trước các mầm bệnh trong đất

– Cân bằng độ pH, tăng cường sức khỏe cho đất nhờ hệ vi sinh vật có lợi phát triển mạnh.

– Có khả năng phân giải các chất khó tiêu trong đất, tái tạo năng lượng cho cây sau thu hoạch.

Cần hỗ trợ tư vấn miễn phí? Bà con nông dân vui lòng gọi đến hotline 0933 921 349 để được kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Phân bón Hi-tech Organic – thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đang mở rộng hệ thống phân phối nhằm đồng hành & phát triển bền vững cùng bà con nông dân trên toàn quốc. Quý đại lý, đối tác có nhu cầu hợp tác kinh doanh, vui lòng gọi đến hotline 0933921349 để được đội ngũ tư vấn.

Nguồn tài liệu tham khảo: Trần Giang Sơn (dịch). (2024). Bón phân khoa học, phân hữu cơ thay thế phân hóa học. Việt Nam. Nhà xuất bản Hà Nội.