Vai trò của dinh dưỡng trung vi lượng đối với cây trồng • Phân bón & Thuốc BVTV Đức Thành

Vai trò của dinh dưỡng trung vi lượng đối với cây trồng

Trong quá trình cây trồng phát triển, những dinh dưỡng đa lượng như N, P, K được xem là nguồn thức ăn chính thì các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng (Ca, Mg, S, Si, Cu, Fe, Zn, Mn, B,…) được xem là vitamin bổ trợ. Mặc dù những dinh dưỡng trung, vi lượng chỉ là một phần nhỏ trong nhu cầu dinh dưỡng của cây, nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hãy cùng đội ngũ kỹ sư nông nghiệp Đức Thành tìm hiểu xem chúng có vai trò quan trọng như thế nào, bà con nhé!

1. Vai trò của dinh dưỡng trung, vi lượng đối với cây trồng:

Đất mới canh tác cây trồng thường sẽ có năng suất rất tốt. Tuy nhiên, trải qua vài vụ mùa canh tác, cây đã sử dụng gần hết các chất trung vi lượng. Nên nếu không biết cách bổ sung thì các vụ sau sẽ rất kém năng suất. Nếu cây trồng không được cung cấp dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ gây hiện tượng như rụng trái, nứt trái, lá kém xanh và sâu bệnh hại tấn công nhiều hơn.

Dinh dưỡng trung, vi lượng sẽ tổng hợp tất cả các chất khác giúp cân bằng dinh dưỡng trong cây trồng. Cây trồng sẽ lấy dinh dưỡng đó để tổng hợp vào trong trái, trái sẽ đầy đặn, màu sắc đẹp và ngọt hơn.

2. Các chất trung lượng (S, Ca, Mg) đóng vai trò như thế nào?

2.1 Lưu huỳnh (S):

Lưu huỳnh (S) là nguyên tố dinh dưỡng thứ 4 cần thiết cho sự phát triển của cây sau Đạm (N), Lân (P), Kali (K). Cây trồng cần một lượng lưu huỳnh gần bằng lượng lân (P) để có thể phát triển cân đối.

Dinh dưỡng trung vi lượng đối với cây trồng
Dinh dưỡng trung vi lượng đối với cây trồng

Lưu huỳnh đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp Protein và một số Axít Amin quan trọng. Lưu huỳnh có khả năng tạo các chất sinh dầu, tạo mùi cho nông sản. Tăng khả năng chịu rét, chống hạn cho cây, thúc đẩy quá trình chín của quả và hạt. Ngoài ra lưu huỳnh có nhiều trong thành phần của coenzym A (là chất xúc tác quan trọng trong quá trình quang hợp, hô hấp của cây, tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật cố định đạm…).

2.2 Canxi (Ca):

Canxi (Ca) cần cho sự phát triển của hệ rễ cây, tăng cường tạo thành các rễ bên và hệ thống lông hút của rễ. Thúc đẩy quá trình trao đổi chất, vận chuyển gluxit trong cây. Làm giảm độ thấm của màng tế bào, hạn chế sự hút nước của cây. Và từ đây, cây trồng có thể chịu úng tạm thời trong những điều kiện bất lợi.

2.3 Magie (Mg):

Magiê (Mg) có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và tổng hợp gluxit, protein, lipit trong cây. Mg đặc biệt quan trọng đối với các cây lấy đường, bột, các cây họ đậu, cây lấy tinh dầu, cây lấy chất kích thích, cây lấy nhựa…

Dinh dưỡng trung vi lượng đối với cây trồng
Dinh dưỡng trung vi lượng đối với cây trồng

Mg góp phần điều hòa pH thích hợp với từng bộ phận trong tế bào và sinh lý của cây. Mg tham gia trong thành phần hoặc kích thích hoạt động của các loại men, thiếu Mg sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình tổng hợp ATP và quá trình phốtphorin hóa trong cây.
Mg cùng với Kali (K) tăng sức trương của tế bào, cân bằng nước trong cây tăng khả năng chịu hạn trong cây.

3. Các chất vi lượng (Zn, Fe, Cu, Mn, B, Mo, Cl) đóng vai trò như thế nào?

Các nguyên tố vi lượng chiếm một lượng rất nhỏ, tuy vậy vi lượng có vai trò không thể thay thế trong đời sống của cây.

3.1 Kẽm (Zn)

Kẽm (Zn) có vai trò quan trong trong quá trình hô hấp, dinh dưỡng khoáng, quang hợp, tổng hợp các chất hữu cơ, sinh trưởng, vận chuyển, khả năng chống chịu, sự hình thành hạt của cây trồng.

Vai trò của dinh dưỡng trung, vi lượng đối với cây trồng
Vai trò của dinh dưỡng trung, vi lượng đối với cây trồng

3.2 Sắt (Fe)

– Sắt (Fe) ảnh hưởng tới quá trình khử nitrat. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, tổng hợp, hoạt hóa diệp lục, tổng hợp các chất hữu cơ.

3.3 Đồng (Cu)

– Đồng (Cu)  đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp clorophin, chuyển hóa gluxit cho quá trình quang hợp của cây. Đồng khử nitrat, tổng hợp các chất: đường, chất béo, chất có đạm, vitamin A, C.

3.4 Mangan (Mn)

– Mangan (Mn) tham gia quá trình khử CO2 thành diệp lục cho quá trình quang hợp của cây. Giúp trao đổi đồng hóa đạm, tổng hợp các chất: gluxit, axit nucleic, chất điều hòa sinh trưởng, vận chuyển gluxit, tăng khả năng chịu hạn, sinh trưởng: nảy mầm tạo thân, ra hoa, ra quả…

3.5 Bo (B)

– Bo (B) ảnh hưởng tới quá trình điều hòa sinh lý của cây: quang hợp, hình thành chất hữu cơ, vận chuyển chất trong cây, tạo thành phấn hoa và khả năng đậu quả.

3.6 Molipden (Mo)

– Molipden (Mo)  xúc tiến quá trình cố định đạm ở vi khuẩn nốt sần, sự chuyển hóa đạm trong cây. Là thành phần cấu trúc của nhiều loại men xúc tác quá trình quang hợp, hô hấp, chuyển hóa gluxit, tăng khả năng chống chịu của cây.

3.7 Clo (Cl)

– Clo (Cl) kích thích một số loại men ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa hydrat cacbon và tăng khả năng giữu nước của tế bào…

Khi thiếu các nguyên tố vi lượng cây sẽ phát triển không cân đối. Thậm chí, cây biểu hiện một số bệnh lý, làm giảm năng suất, phẩm chất của cây. Tuy nhiên, nếu thừa vi lượng sẽ khiến cây bị ngộ độc. Chính vì thế, khi sử dụng vi lượng cho cây cần thận trọng không nên lạm dụng, phải thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật, lượng bón của nhà sản xuất đưa ra.

4. Biểu hiện cây trồng bị thiếu dinh dưỡng trung lượng là gì?

4.1 Thiếu Canxi (Ca):

Dấu hiệu cây bị thiếu Canxi cho thấy các lá non của cây mới trồng bị biến dạng và có màu xanh lụa sẫm không bình thường. Khi thiếu Canxi nặng, cành non bị chết; lá có hình đài hoa và quăn; đôi khi trái bị nứt, vị đắng, trái không bảo quản được lâu.

4.2 Thiếu Magie (Mg):

Lá vàng ở phần thịt giữa các gân lá, xuất hiện chủ yếu ở lá già hoặc các lá bên dưới của cành mang trái, trong khi lá non vẫn còn xanh. Phần xanh còn lại của lá có hình chữ V ngược ở cuống lá. Trường hợp thiếu Mg trầm trọng, toàn bộ lá bị vàng, có thể rụng sớm. Cây cho trái nhỏ và ít ngọt.

4.3 Thiếu Lưu Huỳnh (S):

Xảy ra ở các lá non đầu cành, đầu ngọn và thân. Lá non bị mất màu xanh, chuyển thành vàng sáng hoặc trắng xanh, lá mỏng, cả gân lá và phiến lá đều mất màu, rìa lá uốn cong và dễ bị rách từ bìa lá vào.

Biểu hiện nhận biết cây trồng đang bị thiếu dinh dưỡng, cần bổ sung
Biểu hiện nhận biết cây trồng đang bị thiếu dinh dưỡng, cần bổ sungphân

5. Biểu hiện cây trồng cần được bổ sung dinh dưỡng vi lượng là gì?

5.1 Thiếu Mangan (Mn):

Triệu chứng thiếu Mangan chủ yếu xuất hiện ở các lá non, gân lá và phần thịt gần gân lá có màu xanh đậm, thịt lá màu xanh nhạt hơn, sau chuyển màu vàng.

5.2 Thiếu Kẽm (Zn):

Lá vàng gân xanh, nhỏ dần và đóng lá dầy, thân, cành không phát triển, trái nhỏ, chất lượng kém. Triệu chứng thiếu kẽm nhẹ xuất hiện ở lá non, không xuất hiện ở lá già. Một số trường hợp thiếu kẽm do bệnh virus Tristeza hoặc bệnh vàng lá gân xanh (greening), vì thế nông dân cần phân biệt rõ triệu chứng thiếu kẽm do thiếu dinh dưỡng trong đất hay thiếu kẽm do bệnh gây ra để có biện pháp xử lý thích hợp.

5.3 Thiếu Bo (B):

Triệu chứng thiếu B thường bắt đầu xuất hiện ở các bộ phận non của cây. Các lá non thường bị biến dạng, mỏng, màu xanh nhạt. Trên bề mặt lá thường có những đốm nhỏ màu vàng trắng. Xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên thân và cuống trái. Thiếu B làm hoa kém phát triển, sức sống hạt phấn kém, trái bưởi có hình dáng bất thường, có nhiều đốm nâu, bị lệch tâm, có vết đen quanh lõi, độ ngọt giảm và trái cứng (còn gọi là trái đá), vỏ dày, sần sùi, ít nước

5.4 Thiếu Molypden (Mo):

Thiếu Molypden (Mo) khiến cây sinh trưởng phát triển kém. Trên lá, xuất hiện nhiều đốm vàng, kích thước khá to ở giữa các gân.

5.5 Thiếu Đồng (Cu):

Hiện tượng thiếu đồng thường xảy ra trên những vùng đất đầm lây, ruộng lầy thụt. Cây trồng thiếu đồng thường hay có hiện tượng chảy gôm (rất hay xảy ra ở cây ăn quả), kèm theo các vết hoại tử trên lá hay quả. Với cây họ hòa thảo, nếu thiếu đồng sẽ làm mất màu xanh ở phần ngọn lá.

5.6 Thiếu Sắt (Fe):

Thiếu Sắt gây ra hiện tượng màu xanh lá cây nhợt nhạt (bạc lá). Cùng với đó là sự phân biệt rõ ràng giữa những gân lá màu xanh và khoảng giữa màu vàng. Thiếu sắt nặng có thể chuyển toàn bộ cây thành màu vàng tới trắng lợt.

5.7 Thiếu Clo:

Thiếu clo đỉnh lá non bị héo, úa vàng, cuối cùng chuyển màu đồng thau và chết. Thực tế, trong trồng trọt biểu hiện thiếu clo của cây trồng rất hiếm khi gặp cây trồng thường có nhu cầu clo thấp mà trong đất và trong phân lại nhiều.

6. Kết luận 

Bên cạnh các dinh dưỡng đa lượng như Đạm, Lân, Kali thì cây trồng cũng cần bổ sung thêm các dinh dưỡng trung, vi lượng khác để phát triển. Việc bổ sung thêm trung, vi lượng cho cây giúp nông sản đạt được giá trị cao, chất lượng tốt, cây trồng được phát triển cân đối hơn.

Khi thiếu các nguyên tố vi lượng cây sẽ phát triển không cân đối, thậm chí biểu hiện một số bệnh lý, làm giảm năng suất, phẩm chất của cây. Tuy nhiên, nếu thừa vi lượng sẽ khiến cây bị ngộ độc. Chính vì thế, khi sử dụng vi lượng cho cây cần thận trọng không nên lạm dụng, phải thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật, lượng bón của nhà sản xuất đưa ra.

Trong nhiều năm qua, rất nhiều sản phẩm phân bón Đức Thành được bổ sung thành phần dinh dưỡng trung vi lượng cần thiết để nuôi cây phát triển, đồng hành cùng nông dân canh tác. Sản phẩm hiện đang được phân phối cùng nhiều chính sách thương mại hấp dẫn dành cho Đại lý, Cửa hàng vật tư nông nghiệp trên toàn quốc. Quý đối tác có nhu cầu hợp tác kinh doanh, vui lòng gọi đến Hotline 0933921349 để được hỗ trợ miễn phí.