Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020 và thay thế Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón. Ngày 01/01/2020 cũng là ngày Luật Trồng trọt năm 2018 có hiệu lực thi hành.
Do đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón cần lưu ý các quy định của Luật Trồng trọt năm 2018 và Nghị định số 84/2019/NĐ-CP để tiến hành kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Điểm mới trong quy định của pháp luật về kinh doanh phân bón chủ yếu là về điều kiện buôn bán phân bón. Cụ thể:
Điều 42 Luật Trồng trọt quy định:
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; trường hợp buôn bán phân bón do mình sản xuất thì không phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:
a) Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;
b) Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;
c) Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
Hồ sơ, trình tự cấp, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón được quy định tại Điều 13, Điều 15 và Điều 17 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP như sau:
Điều 15. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 08 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 84/2019/NĐ-CP.
2. Bản chụp văn bản chứng nhận đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên của người trực tiếp buôn bán phân bón theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt.
Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (Điều 17 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP)
* Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ đạt yêu cầu thực hiện kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón tại tổ chức, cá nhân và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 12 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón không đáp ứng điều kiện, phải thực hiện khắc phục, sau khi khắc phục có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra nội dung đã khắc phục. Trường hợp kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (Điều 13 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP):
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo Mẫu số 11 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Có thể thấy, điều kiện buôn bán phân bón, hồ sơ, trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định mới đơn giản hơn so với quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP trước đây. Về thẩm quyền, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón (trước đây, theo quy định của Nghị định số 108/2017/NĐ-CP thì Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón).
Tuy nhiên, tại Khoản 3, Điều 85 Luật Trồng trọt có quy định: “3. …Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương với Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón theo quy định của Luật này”. Do đó, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp trước ngày 01/01/2020 vẫn còn giá trị sử dụng.
Bên cạnh các quy định mới về điều kiện buôn bán phân bón thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón cũng đã được Luật Trồng trọt quy định rõ như sau:
Điều 51. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón
1. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có quyền sau đây:
a) Buôn bán phân bón được công nhận lưu hành tại Việt Nam;
b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn phân bón.
2. Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Duy trì đầy đủ các điều kiện buôn bán phân bón quy định tại Điều 42 của Luật này trong quá trình buôn bán phân bón;
b) Bảo quản phân bón ở nơi khô ráo, không để lẫn với các loại hàng hóa khác làm ảnh hưởng đến chất lượng phân bón;
c) Kiểm tra nguồn gốc phân bón, nhãn phân bón, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng phân bón;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Cung cấp chứng từ hợp pháp để truy xuất nguồn gốc phân bón;
e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung ghi trên nhãn phân bón;
h) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.”./.
Thanh tra Sở
Nguồn tin: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tây ninh